TNc: Thông lệ thì các Hội đồng chuyên môn đưa lên rồi BCH Hội Nhà văn VN và BCK xét giải. Nhưng Hội ta rất nhiều việc BCH lấy quyền cấp trên áp đặt, vượt mặt các Hội đồng. Ngay cả việc kết nạp hội viên cũng thế. Trong không khí dân chủ hiện nay, cách làm này hình như không ổn. Có lẽ rất cần xem lại quy chế xét giải và đưa về thể loại Thơ. Văn, Dịch thuật. Lý luận phê bình chứ không nên theo ban đề tài như hiện nay...
Trên trang Web của Hội Nhà Văn VN vừa công bố danh sách đề cử các tác phẩm để BCH và Hội đồng chung khảo xét giải thưởng năm 2009 (*), nhưng không thấy danh sách đề cử của Hội đồng Thơ. Hội đồng Thơ năm nay đã tự tước quyền đề cử của mình/hay làm đúng quyền của mình, là không đề cử một tập thơ nào.
Theo Hội đồng Thơ thì năm nay không có tập thơ nào đáng trao giải thưởng.
Tuy vậy, trong danh sách đề cử của Ban Văn học Dân tộc và Miền núi và Các thành viên BCH và Ban chung khảo vẫn thấy có 3 tập thơ được đề cử:
Bài ca đẹp nhất trần gian, tập thơ, Pờ Sảo Mìn
Sau đêm, tập thơ của Hữu Tiến
(Ban Văn học Dân tộc và Miền núi)
Đừng múc cạn nỗi buồn tập thơ của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh
(Các thành viên BCH và Ban chung khảo).
Nếu 1 hoặc 3 tập thơ đó được BCH và Ban chung khảo quyết định trao giải thưởng thì nó được mang tên Giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam 2009.
Từ đó, dư luận sẽ có nhiều bàn tán khác nhau về Quy chế xét Giải thưởng và Giải thưởng của HNVVN:
•1. Về quy chế: Hội đồng Thơ (Hội đồng chuyên môn) = 1 thành viên của BCH và Ban chung khảo = 1 Ban (phong trào). Đây là một điều bất cập.
•2. Về Giải thưởng: Giải thưởng cho phong trào = giải thưởng chuyên môn. Thật khó đồng lòng, vì Hội đồng Thơ cũng đã biết những tập thơ này và không đưa vào danh sách xét tại Hội đồng.
Đó là sự bất cập mà ai cũng có thể chỉ ra.
Trước đây đã có ý kiến về việc xét giải, Hội nên để các Ban (phong trào) giới thiệu các tác phẩm cho Hội đồng chuyên môn (thơ thì chuyển tới Hội đồng Thơ, văn xuối thì chuyển tới Hội đồng Văn Xuôi, lý luận phê bình thì chuyển tới Hội đồng LLPB, văn học dịch thì chuyển tới Hội đồng Dịch Văn Học), vậy mới đúng chức năng của các Hội đồng chuyên môn, và chỉ họ mới có quyền đề cử tác phẩm vào chung khảo. Nhưng cái lẽ rõ ràng vậy vẫn không được chuẩn y, nên nhiều giải thưởng của HNV do các Ban đề cử đã khiến cho chất lượng giải non kém đi khá nhiều, không thuyết phục được công chúng.
Ví dụ Giải thưởng năm nay, dù đã được các Ban và các thành viên của BCH và Ban chung khảo đề cử cho thơ mà Thơ vẫn mất trắng thì sự để trắng thơ của Hội đồng Thơ là chính xác, đáng khâm phục. Nhưng nếu thơ vẫn không mất mùa như Hội đồng Thơ tưởng, thì Hội đồng Thơ cũng nên xem lại sự thẩm định mang tính sơ khảo của họ.
Trong 3 cuốn thơ được đề cử, tôi đồng thuận với nhà thơ Trần Mạnh Hảo và thành viên nào đó về tập thơ Đừng múc cạn nỗi buồn của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh. Đây là tập thơ tuy không thật mới về thi pháp, nhưng là một tập thơ bừng sáng nhiều tâm thức sâu nặng của con người Nam Bộ con người Việt Nam trước cuộc đời đầy biến động; con mắt thơ của tác giả hướng người đọc cùng ngỡ ngàng trước ánh sáng mới mẻ của nhân văn.
Tôi vẫn tin ở sự hướng thượng của thơ Việt Nam hôm nay. Và vì thế, Giải thưởng HNVVN 2009, nếu có giải cho THƠ, cũng chả có gì phải băn khoăn như đôi người vẫn nghĩ.
4.12.2009
NTT