Trang chủ » Tin văn và...

PHÁT HIỆN "VĨ ĐẠI" TẠI VIỆT NAM: MÓ NƯỚC HIỂU TIẾNG NGƯỜI

Hoàng Quảng Uyên
Thứ tư ngày 2 tháng 12 năm 2009 7:48 AM

TNc: Tôi có công việc nên về quê Phú Thọ cả tuần lễ. Vì bận công việc nên không thường xuyên vào mạng được nên nhiều bài, thư các bạn gửi đến có phần chậm chễ. Đặc biệt tôi nhận được tới 3 lần bài viết của nhà văn Hoàng Quảng Uyên tranh luận về mó nước hiểu tiếng người. Hôm nay tôi đưa bài lên theo yêu cầu tha thiết của đồng nghiệp HQU và bài viết là quan điểm của riêng ông.
Thế là với bốn bài báo đăng trên tờ An ninh thế giới (ANTG-các số ngày 21-10; 31-10; 18-10 và 21-11-2009) “cuối cùng” mó nước Rằng Phặt “hiểu” tiếng người ở xã Hồng Quang huyện Quảng Uyên, Tỉnh Cao Bằng được “chứng minh” đúng là chuyện có thật. Vậy nên, theo thiển ý của tôi việc “cần làm ngay” bây giờ là ủy ban nhân dân xã Hồng Quang lập một đội quản lý “mó nước Rằng Phặt” để tránh cái việc “con người đào bới hoặc làm thay đổi các điều kiện tự nhiên thì mó nước sẽ mãi mãi không “hiểu” được tiếng người nữa” và để hướng dẫn khách tham quan (có thu tiền) vì sau khi đã được “chứng minh hùng hồn”, khách tham quan sẽ ùn ùn kéo tới chiêm ngưỡng Rằng Phặt – một hiện tượng thiên nhiên hy hữu của Việt Nam (tiến tới đề nghị là kỳ quan thế giới!).
Thông tin hai chiều – khách quan và trung thực.
Theo như những gì Đỗ Lãng Quân  mô tả thì khi đến Rằng Phặt khách tham quan sẽ “no mắt” trước cảnh tượng: “dù cạn khô kiệt quệ, nhưng hễ người Nùng sống quanh mó nước mà đọc “thần chú”, vỗ tay nhè nhẹ là nước từ trong khe cứ thế dâng lên. chứa chan.” và “gọi là nước dâng lên ngập ngụa” và “Hễ” ai đọc thần chú là phun lên ào ạt” và sau tiếng lố, từ dưới lòng khe đá hình tròn có diện tích chỉ bằng cái mâm cơm, nước bắt đầu đùn ra ào ạt” và” hễ cứ chui vào vài bước là nước dâng lên, ai không chạy ra nhanh sẽ mất xác..v.v. và v.v. Nhưng tôi cũng xin cảnh báo và đề nghị một điều nếu đến tận nơi mà không thấy đúng như thế du khách có quyền đòi được bồi thường về kinh phí và lòng tin từ những người “làm ra” những thông tin đó.
Thật ra hiện tượng rằng phặt đã được biết đến từ lâu. Năm 2007, tác giả Đàm Minh Thanh, người sống ở cách Rằng Phặt gần 10km đã có bài giới thiệu trên báo Cao Bằng, mô tả những hiện tượng như trong thực tế, người đọc thấy có một chút “là lạ” ít ai để ý. Có thể lý do “lãng quên” là do tác giả Đàm Minh Thanh không biết viết báo theo kiểu của ông Đỗ Lãng Quân và báo Cao Bằng là báo địa phương có số phát hành khiêm tốn nên ít đến được với độc giả cả nước.
Đọc các bài của Đỗ Lãng Quân trên báo ANTG tôi thấy một lối viết “vống” lên, thêu dệt, “sáng tác” ...  để tạo sự lạ vì thế tôi đã viết hai bài đăng trên báo Cao Bằng, báo Tiền Phong cuối tuần và tải trên trang web trannhuong.com. “Sát cánh” cùng tôi còn có nhà báo Mạnh Hà, phân xã trưởng TTXVN tại Cao Bằng (có bài Mó nước “hiểu tiếng người” – chuyện chẳng có gì kỳ bí – báo Tin Tức ngày 5/11/2009, sau đó báo Dân Trí có trích đăng lại) và nhà báo Lâm Bích Ngọc, phóng viên báo Đất Việt (bài sự thật về “giếng nước hiểu tiếng người” in trên báo Đất Việt.) Nội dung các bài báo này tập trung phân tích, chứng minh: Rằng Phặt không thể hiểu tiếng người. Chẳng hạn Hoàng Quảng Uyên viết: “ hiện tượng nước tự dâng lên, hạ xuống là do tác động của các dòng sông (hồ) chính bằng tác động của sóng cơ học. Tác động của sóng âm thanh tạo ra áp suất đẩy nước lên chỉ có tác dụng phụ trợ mà thôi.” Nhà báo Mạnh Hà sau một ngày khảo sát đã đưa ra kết luận: “thực ra nước ở Rằng Phặt tự lên, tự xuống. Tiếng gọi, tiếng động lạ có lẽ chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.” Ông Đoàn Hải Triều – Phó giám đốc sở khoa học – công nghệ Cao Bằng đã trả lời phóng viên báo Đất Việt: “Tôi là người Cao Bằng nhưng đây là lần đầu tiên nghe chuyện mó nước có thể “hiểu tiếng người”. Thực tế thông tin không giống như những bài báo trước đó đã viết. Tại Rằng Phặt có hiện tượng nước lên, xuống không nhiều và cũng không “điều khiển” qua giọng nói, âm thanh và tự nó lên xuống theo đúng quy trình.”
Rõ ràng, những thông tin mà Đỗ Lãng Quân đưa vống lên đã làm chệch hướng dư luận, làm cho khách tham quan đến Rằng Phặt rất đông, “phá phách” hiện trường. Tiến sĩ Lê Trọng Thắng – trưởng bộ môn địa chất – công trình - địa kỹ thuật Trường đại học Mỏ Địa Chất sau khi đọc bài trên ANTG đã gửi thư cho báo: “Đề nghị các cơ quan hữu quan, liên quan không để cho người dân coi hiện tượng nêu là thần bí để làm những việc vô nghĩa và chỉ mang lại những hậu quả không tốt.”. Trước tình hình khách tham quan kéo đến Rằng Phặt ngày càng đông tôi đã đến Rằng Phặt quan sát, làm thực nghiệm (có biên bản) thấy rằng hiện tượng ở Rằng Phặt không “ghê gớm” như Đỗ Lãng Quân “vẽ ra”. Với tinh thần tôn trọng thông tin hai chiều một cách công bằng, khách quan như Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã nhắc nhở, tôi đã viết bài góp phần “nắn chỉnh” lại dư luận. Đó là việc làm bình thường, cần thiết vậy mà Đỗ Lãng Quân trong bài viết số 4 đã phê phán “các cuộc tranh luận không đáng có trên một số tờ báo” – không đáng có hay không có quyền nói lại? và đỉnh điểm của sự việc là Đỗ Lãng Quân viết một bài dài tải trên trang web trannhuong.com, vu vạ, miệt thị, chụp mũ tôi. Khép tội Hoàng Quảng Uyên là “nhà báo ngộ nhận, mạo nhận, giả danh!!!” đề nghị các cơ quan báo chí, tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng có biện pháp xử lý thích đáng!. Hoàng Quảng Uyên đã có bài trả lời: Vác đá tự ghè chân mình. Độc giả nào quan tâm xin vào trang web trannhuong.com. Trong bài này tôi chỉ tranh luận, nói thêm cho rõ những gì mà Đỗ Lãng Quân đã viết trên bốn số báo ANTG để một lần nữa nắn chỉnh lại dư luận: Mó nước Rằng Phặt không thể hiểu tiếng người. Đây không phải là tranh luận giữa cá nhân với cá nhân mà là tranh luận những vấn đề thực tế, khoa học - vấn đề đã được đăng tải trên báo để tìm ra đúng, sai.
Đỗ Lãng Quân đã tạo dựng “hiện trường”, “chứng cứ” giả như thế nào?
Khi thấy các báo phản bác lại quá nhiều, để “bảo vệ chân lý” Đỗ Lãng Quân đã đưa ra một luận điểm: “Những hiện tượng tôi miêu tả là trong mùa mưa, nước đầy, còn hiện tượng các anh nhìn thấy là trong trong mùa khô, cạn nước, khác nhau là điều dễ hiểu.” Để chứng minh, củng cố cho luận điểm đó Đỗ Lãng Quân đã trưng lên trang nhất số báo ANTG ngày 18/11/2009 một bức ảnh “đầy sức thuyết phục” chụp 7 người (rất nhỏ) đang đứng, ngồi trước mặt nước phẳng lặng tại Rằng Phặt với lời chú thích “chắc như đinh đóng cột”: Một số nhà báo đã vào thăm Rằng Phặt mùa khô để nói rằng không thấy cảnh chuyên đề ANTG đã mô tả trong mùa... nước đầy. ừ, thì cứ coi đây là một miếng “võ hiểm” đi, nhưng thoạt nhìn tôi đã thấy đó là một bức ảnh “giả” – vì sao giả? Là vì, “một số nhà báo đã vào thăm Rằng Phặt mùa khô” hóa ra lại là những người cùng Đỗ Lãng Quân vào Rằng Phặt vào mùa nước đầy!, tôi có thể chỉ đích danh: người ngồi đằng trước mặc áo đen là nữ nhà báo Hoài Phương của đài truyền hình Cao Bằng; bên cạnh (phía tay phải) là bí thư Đảng ủy xã Hồng Quang – Trần Văn Hải, còn 5 người ở phía sau là cán bộ và thanh niên xã Hồng Quang – chả nhẽ 5 người đó cũng được Đỗ Lãng Quân cấp thẻ nhà báo và “đẩy sang” phe Hoàng Quảng Uyên? Nữ nhà báo Hoài Phương có hình trong bức ảnh bởi được chụp khi đi cùng Đỗ Lãng Quân vào Rằng Phặt vào mùa đầy nước sau đó có một chương trình trên đài Cao Bằng!. Sao lại bảo là mùa khô được nhỉ?!. (Tiện đây tôi cũng có lời với nữ nhà báo Hoài Phương, phóng viên quay phim Đàm Trình và các bạn đồng nghiệp ở Đài Cao Bằng (nếu các bạn coi tôi là đồng nghiệp), những hình ảnh các bạn quay là thật (mặc dù đã được tăng hiệu quả nhờ kỹ thuật). Lời kể, lời bình của các bạn cũng không đến nỗi kinh khủng như những lời “có cánh” của Đỗ Lãng Quân. Tôi cũng không hề có lời xúc phạm các bạn trên báo chí, tôi không có ý “đánh” các bạn để chứng tỏ mình là nhất. Và cả lần này nữa, tôi viết bài trả lời không phải để “đánh” các bạn mà chỉ để đưa ra một sự thật căn chỉnh, hướng dẫn đúng dư luận. Thế thôi. Các bạn thông cảm được thì tôi cám ơn, còn các bạn không thông cảm thì tôi cũng đành chịu vậy, biết làm sao!)
Rõ ràng với nội dung chú thích như vậy bức ảnh sẽ là giả và hiện trường (Rằng Phặt) cũng giả nốt (để xem ảnh cho kỹ bạn đọc có thể vào trang web trannhuong.com, phóng to lên xem cho thích.). Cứ tưởng vác đá đập nát người khác, ai ngờ lại tự ghè nát chân mình. Thương thay. Khốn thay. Đọc đoạn này Đỗ Lãng Quân có thể “giật mình” mà rằng, “đưa nhầm ảnh”. Nhầm làm sao được! Như vậy luận điểm hiện tượng mùa khô khác mùa nước đầy (ngay cả khi ảnh là ảnh thật) cũng không thể tồn tại bởi vì chính Đỗ Lãng Quân đã khẳng định như đinh đóng cột: “dù cạn khô kiệt quệ, nước vẫn dâng lên chứa chan”. Tôi là người nghèo vốn từ Tiếng Việt nên để hiểu “văn” Đỗ Lãng Quân tôi phải tra từ điển Tiếng Việt nhiều lắm. Để hiểu câu trên tôi đã tra 2 từ Kiệt quệ nghĩa là: sa sút, tàn tạ đến tột cùng; Chứa chan nghĩa là: tràn đầy, rất nhiều. Tôi cũng đã tra các từ ào ạt nghĩa là: tràn tới, xô tới một cách nhanh mạnh, dồn dập với một khối lớn trên mặt rộng để hiểu câu “phun lên ào ạt”. “hành động” như vậy Đỗ Lãng Quân đã phụ lòng những người biên tập của tờ ANTG đã tin tưởng, ưu ái cộng tác viên Đỗ Lãng Quân, Đỗ Lãng Quân đã dám coi thường cả tờ báo có rất đông bạn đọc. Và điều này mới thật là tệ hại, Đỗ Lãng Quân đã coi thường những độc giả đã bỏ tiền ra mua báo để xem Đỗ Lãng Quân “làm xiếc chữ”. Liệu sau vụ này còn có tờ báo nào “ưu ái” Đỗ Lãng Quân nữa không? liệu còn có độc giả nào tin vào những điều Đỗ Lãng Quân viết nữa không?
Cũng với mục đích “làm lạ” Đỗ Lãng Quân đã đưa ra những thực tế “giả” tại Rằng Phặt để tạo ra khung cảnh “liêu trai”: “toàn bộ khu vực chi chít các dòng sông ngầm, mạch nước ngầm” (chi chít có nghĩa là: nhiều, dày đặc, sát khít, chen kề nhau.) Hay “các hố tròn há miệng lên trời cứ nghe thần chú là phun nước ra cũng đổ nước vào muôn vàn cửa hang ngầm trong lòng núi, lòng gò đồi, lòng ruộng rẫy xung quanh.” (Muôn vàn nghĩa là: số lượng rất nhiều, rất lớn.) v.v.. không có nhiều đến thế đâu!
Nghiên cứu khoa học – “đẽo chân cho vừa giầy”
Trước các hiện tượng như Đỗ Lãng Quân đã mô tả, một số nhà khoa học đã đưa ra phỏng đoán như TSKH Vũ Cao Minh, PGS-TS Lê Trọng Thắng, TS Vũ Văn Bằng ... đó chỉ là lý thuyết mà để lý thuyết đó là đúng phải chứng minh được bằng thực nghiệm. Để trả lời chính xác hiện tượng “Rằng Phặt” cần sử dụng kiến thức vật lý, địa lý, địa chất, khí tượng thủy văn và kiến thức của nhiều bộ môn khác nữa. Tôi không có bằng tiến sỹ, không có học hàm để bảo lãnh mà chỉ là một cử nhân vật lý thôi, nhưng như vậy không phải tôi không có quyền đưa ra các phỏng đoán, chứng minh của riêng mình sau khi có hai chuyến khảo sát, tiến hành thực nghiệm, đo đạc, còn phỏng đoán, chứng minh của tôi đúng hay sai sẽ được các nhà khoa học đưa ra kết luận, vì thế để giải thích cặn kẽ phải có một hội đồng các nhà khoa học của nhiều bộ môn lên thực địa, tiến hành khảo sát nhiều ngày may ra mới có được câu trả lời chính xác. Đó cũng là một việc cần làm ngay, bởi vì cứ để Rằng Phặt bị “tấn công”, “phá phách” nhiều như hiện nay Rằng Phặt sẽ “mất thiêng”, gọi nước không lên nữa và đó là chỗ dựa chắc chắn nhất để Đỗ Lãng Quân “phủi” trách nhiệm đã đưa thông tin “đi quá” so với sự thật.
Ngày 16/11/2009 TSKH Vũ Cao Minh và TS Nguyễn Hữu Hùng được Đỗ Lãng Quân bỏ kinh phí đưa lên khảo sát Rằng Phặt (Chứ không phải Đỗ Lãng Quân theo chân các nhà khoa học!) các ông đã đến xem rồi đưa ra những kết luận ban đầu khẳng định: “mó nước Rằng Phặt hiểu tiếng người là chuyện có thật!” Ô kìa! Nghiên cứu khoa học, tiến hành thí nghiệm, khảo sát mà đơn giản và dễ dàng vậy sao? Xin lỗi! Tôi xin hỏi TSKH Vũ Cao Minh rằng ông đã có lời xác nhận, giải thích hoặc bác bỏ hiện tượng tại Rằng Phặt “không gọi nước vẫn tự dâng lên, tự rút xuống” không? và nếu thực tế đúng theo lý thuyết bẫy không khí của ông, ông có đo được, tính được chính xác lực của sóng âm thanh tác động lên mó nước “rộng bằng một mâm ăn cơm” là bao nhiêu N (Niu tơn) để có thể tạo ra áp lực mạnh đến mức đẩy nước phun lên ào ạt và chỉ cần vài tiếng động nhỏ là nước dồn về như lũ cuốn (không chạy nhanh sẽ mất xác.) và con số cụ thể đưa ra trên mặt báo là nước dâng lên 16cm chắc không phải con số của ông cung cấp mà là của Đỗ Lãng Quân?. Vì rằng ở cái rốn nước Rằng Phặt có một vạt đá nửa chìm nửa nổi, tạo với phương nằm ngang một góc khoảng 300, nước dâng là dâng theo chiều chếch 300 ấy. (Cạnh huyền của một tam giác). Để biết nước dâng (theo chiều thẳng đứng) trong trường hợp này không cần dùng kiến thức của TSKH mà chỉ dùng kiến thức phổ thông (định lý Pitago và lượng giác) để thấy kết quả nhà báo Mạnh Hà đo: nước dâng lên bằng hai đốt ngón tay và Hoàng Quảng Uyên nhìn thấy nước dâng lên ... cỡ cm. Kết quả nào là đúng?!
Trong số báo cuối cùng Đỗ Lãng Quân đưa ra lý thuyết của ông Lê Trọng Thắng – theo tôi là sát thực nhất (tuy nhiên các hình vẽ chưa thật chính xác) nhưng nếu áp dụng lý thuyết của ông Thắng vào Rằng Phặt thì cũng sẽ không có kết quả vì rằng theo mô tả của Đỗ Lãng Quân “hang đá thông lên mặt đất kiểu thẳng đứng... các hố tròn há miệng lên trời” như thế làm sao còn đủ kín để giữ không khí, tạo thành “bẫy không khi” được nữa.
Đấy chỉ là một số câu hỏi tôi đặt ra về đợt khảo sát chớp nhoáng của nhóm các nhà khoa học “danh chính ngôn thuận”. Để chuẩn bị kết thúc bài viết đã quá dài tôi xin tiết lộ thêm một chi tiết rằng, cái đoạn sau đây của ông Đỗ Lãng Quân cũng là “giả dối” nốt: “tại Cao Bằng, ông Minh và cộng sự đã báo cáo, trình “giấy tờ văn bản”, trao đổi kết quả bước đầu, kiến nghị các biện pháp bảo vệ và tôn vinh mó nước với đại diện UBND tỉnh Cao Bằng và một số ban ngành hữu quan”. Tôi đã đến văn phòng UBND tỉnh hỏi, ông Lý Văn Kính, phó chánh văn phòng đưa tôi xem tờ giấy giới thiệu của viện địa chất do viện phó Phạm Quang Sơn ký ngày 13/11/2009. Ông Lý Văn Kính cho biết: “Đoàn từ Hà Nội lên Cao Bằng không vào ủy ban mà vào thẳng Rằng Phặt (thông tin ủy ban nhận được qua thông báo của đài truyền hình Cao Bằng.) Lúc trở ra đã là 6 giờ tối, ngoài giờ hành chính, vì mến khách ủy ban có mời cơm chứ không có làm việc ngoài giờ, bữa cơm chỉ có ông Kính tiếp chứ không có ai đại diện cho các cơ quan hữu quan. Ông Kính cũng không được UBND tỉnh cử làm đại diện làm việc với đoàn!”. Dưới con mắt của Đỗ Lãng Quân, Cao Bằng dễ “qua mặt”,dễ “điều khiển” đến thế ư!?
Với những “kết quả hai năm rõ mười” này trở về Hà Nội Đỗ Lãng Quân đã “đủ tự tin” hùng hổ, hả hê tuyên bố: Các ý kiến của ông Uyên là hàm hồ và xằng bậy và hiện tượng ở Rằng Phặt đúng là có thật.
Với những điều trình bày trên tôi có cơ sở để “phỏng đoán” và rút ra kết luận ban đầu rằng: Đợt khảo sát Rằng Phặt của chuyên viên cao cấp Viện Địa Chất được tiến hành theo “đơn đặt hàng” và do đó việc nghiên cứu khoa học theo kiểu “đẽo chân cho vừa giầy” là rất có khả năng xảy ra. Cần có một cuộc nghiên cứu, khảo sát toàn diện, công bằng và ... khoa học về phát hiện vĩ đại ở Rằng Phặt: Mó nước “hiểu” tiếng người.
Sự việc chưa thể kết thúc mà mới chỉ là bắt đầu.
Cao Bằng ngày 24/11/2009
ảnh kèm bài:

ảnh 2: Bà Phan Thị Họp chui vào dưới vòm đá gọi nước. (ảnh Hoàng Quảng Uyên)