TNc: Sắp đến Đại lễ kỷ niệm Một ngàn năm Thăng Long, một sự kiện hy hữu ngàn năm mới có một lần, nhằm tôn vinh lịch sử cũng là tôn vinh các giá trị văn hóa của dân tộc từ ngàn xưa và cho cả ngàn sau. Đã gọi là kỷ niệm Một ngàn năm Thăng Long ắt phải lấy đối tượng đã chọn mảnh đất này để định đô và cả đặt tên cho kinh thành là tiêu điểm tôn vinh; thứ nữa là thời đại nhà Lý gồm nhiều triều đại đã đặt cơ sơ vững chắc và cả khai mở cho nền văn hiến Đại Việt cũng cần được con cháu tri ân.
Ban tổ chức Đại lễ Một ngàn năm Thăng Long đã có hảo ý xây dựng một bộ phim lịch sử thật hoành tráng về đức Lý Thái tổ (tức Lý Công Uẩn) và triều đại của ông, có thể chi hàng trăm, thậm chí mấy trăm tỷ đồng, thế nhưng giới điện ảnh nước nhà không đáp ứng được. Điều đó thật đáng tiếc và cũng là sự thất lễ với tiền nhân.
Thôi cũng đành, ta là con cháu các cụ nhưng tài năng trí tuệ còn nghèo thời ta cúng các cụ theo cách của con nhà nghèo như dân gian thường nói về các ngày húy kỵ:
Giầu thì thịt cá cơm canh
Khó thì đĩa muối lưng canh cũng là.
Thế nhưng nhìn cái đồng hồ đếm ngược đặt cạnh đền Bà Kiệu của mấy nhà thầu Hàn Quốc tặng, cứ thúc giục từng ngày mà sốt cả ruột. Đã thế, ngày Đại lễ sắp đến gần lại nghe lắm chuyện đồn thổi, vừa hài hước vừa ngớ ngẩn. Ví như người Trung Hoa sẽ làm phim về Lý Công Uẩn, hoặc Lý Công Uẩn là người Hoa.
Thế rồi các bạn thường lướt web của trannhuong.com cũng “meo” về hỏi tới hỏi lui ba cái vụ này và đề nghị giải đáp. Bí quá Trần Nhương tôi đành phải thương lượng với nhà văn Hoàng Quốc Hải, người đã từng viết bộ “Bão táp triều Trần” tới mấy ngàn trang.
Sau đây là cuộc đối thoại giữa trannhuong.com và nhà văn Hoàng Quốc Hải:
- Xin chào bác Hoàng Quốc Hải, trannhuong.com đây.
- Chào bạn! Chào họa sỹ, nhà thơ có việc gì mà lôi cả trang web vào cuộc thế này?
- Có, có việc cho bác làm đây
.
- Hưu trí lâu rồi, lão giả an chi, coi như khiếm thính khiếm thị rồi, không làm việc gì nữa đâu. Bạn ơi bạn gõ nhầm cửa đấy. Đúng là nhà thơ lại nhà vẽ nữa, thuần tư duy ảo thôi.
- Không đâu, nhà thơ Trần Nhương có thể ảo chứ trannhuong.com là một thực thể tồn tại và đang nói chuyện với bác đấy. Nếu bác gác bút thì chẳng nói làm gì. Nhưng gần đây nhiều báo cùng lúc loan tin bác đã hoàn thành bộ tiểu thuyết lịch sử “Tám triều vua Lý” với độ dài trên dưới 3000 trang có đúng không?
- Dạ đúng! Cái đó thì đúng đấy bạn quí ạ. Nhưng viết xong nó là tôi nghỉ hoàn toàn rồi.
- Thế nhưng có một việc có liên quan đến nhà Lý cần bác giải đáp, bác có vui lòng không?
- Ông Trần Nhương ơi, tôi thuộc fan hâm mộ ông, nhưng việc đó phải nhờ các sử gia chứ, họ mới đủ tư cách pháp nhân để giải đáp mọi thắc mắc về lịch sử nước nhà với các công dân.
- Bác nói không sai, nhưng tôi tín nhiệm bác. Vả lại nhờ các bác bên giới sử, các bác ấy lại phải nghiên cứu rồi tổ chức hội thảo. Xong lại phải xin ý kiến cấp trên xem thời điểm nào giải đáp mới thích hợp, và giải đáp đến đâu cho vừa phải. Nếu làm đúng qui trình đó thì chỉ ai là tỷ phú thời gian, chứ trannhuong.com mà chờ vậy thì “thiu” mất trang web. Tôi còn nhớ trong hội thảo về bộ “Bão táp triều Trần” của bác có nhà văn đã lập luận: “Pautovski (1892-1968) khi đọc “Pi-e Đại đế (1672-1725)” đã phải thốt lên: “Xin các nhà sử học đừng giận tôi, nhưng quả tình rằng tiểu thuyết của Alexis Tolstoi đem lại cho tôi nhiều điều bổ ích về thời kỳ Pi-e Đại đế hơn nhiều công trình nghiên cứu lịch sử”. Đọc bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ của Hoàng Quốc Hải viết về thời đại nhà Trần, tôi đồng một cảm thụ như Pautovski! Đây là tôi đã được nghe và trích nguyên văn khi đã in trên báo và trên sách, thế thì bác am tường lịch sử nước nhà quá đi chứ lị. Vậy bác có đồng ý hợp tác với trannhuong.com để phục vụ độc giả không?
- Nói đến phục vụ độc giả thì Hoàng Quốc Hải tôi xin chịu liền. Bởi làm một thằng nhà văn thì nhiệm vụ tối thượng là phục vụ độc giả. Vậy trannhuong.com hỏi luôn đi, quĩ thời gian của tôi gần chạm đáy rồi.
- Làm gì mà bác bi quan thế! Vâng, câu hỏi như sau:
Thứ nhất, theo phản ánh của độc giả, nghe nói người Trung Hoa cũng sẽ làm phim lịch sử về Lý Công Uẩn trong dịp Đại lễ Một ngàn năm Thăng Long có đúng không?
Thứ hai, là có nhiều người (tất nhiên là người Trung Hoa) nói Lý Công Uẩn là người Hoa có đúng không?
- Vâng, tôi xin thử lý giải.
Về câu hỏi thứ nhất. Trước hết, Lý Công Uẩn là vị vua vĩ đại, ông xây dựng nền móng cho một thời đại phát triển toàn diện mà các triều đại sau tiếp nối cái định hướng đó khiến Đại Việt trở thành một quốc gia hùng mạnh từ văn hóa, chính trị, kinh tế, văn chương, nghệ thuật… tất cả đều đạt tới đỉnh cao chưa từng thấy.
Lại nữa, Lý Công Uẩn đồng thời dung nạp cả ba nền triết học cũng đồng thời là ba tôn giáo: Phật – Nho – Đạo chiết xuất lấy tinh hoa của từng dòng đạo làm định hướng xây dựng quốc gia như:
- Xã hội Nho
- Tâm linh Phật
- Thiên nhiên Đạo
Trong khi đồng đại với Đại Việt thì ở Châu Âu ngợp chìm trong chiến tranh tôn giáo.
Khi cái tầm của một nhân vật lỗi lạc đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, thì việc người Trung Hoa hay ai đó làm phim ảnh về Lý Công Uẩn cũng là việc bình thường. Thật ra điều này không xa lạ với nhân loại. Ví như ta lập ngôi đền cực lớn tọa lạc giữa thủ đô thờ Khổng Tử và tứ phối đã gần một ngàn năm thì sao.
Các triều đại xưa lấy ngày 5 tháng 5 làm lễ điếu khuất Nguyên cũng là chuyện giao lưu văn hóa bình thường. Hoặc cuối thế kỷ 19 và trong đầu thế kỷ 20, nước ta đã lập đền thờ Yersin, lập nhà bia tưởng niệm Alexandre de Rhode, dựng tượng Pasteur v..v… Ngay như Napoléon Bonaparte thế giới viết tới trên 5000 đầu sách về nhân vật vĩ đại này, phim ảnh dựng về ông ta cũng vô vàn v..v.. Đó là những tài sản văn hóa thuộc về nhân loại, nó không thuộc riêng nước Pháp hoặc nước Trung Hoa nữa.
- Bác ơi, nhưng nếu họ làm “phim đểu” về các cụ thì sao?
- Văn hóa có luật chơi nhân văn và cao thượng. Ai vi phạm điều đó sẽ hứng chịu hậu quả. Trung Hoa là một trong những quốc gia có nền văn hóa đỉnh cao tỏa sáng khắp một vùng rộng lớn, tôi không tin người Trung Hoa lại muốn đánh mất mình.
- Nhưng giả dụ, tôi giả dụ thôi, điều ta không mong nó lại xảy ra thì sao.
- Thật vậy, trong cuộc sống điều gì cũng có thể xảy ra. Ngạn ngữ ta đã có câu:
Chỉ đâu mà buộc ngang trời
Tay đâu mà bịt miệng người thế gian.
Về câu hỏi thứ hai, tức là gần đây có nhiều người Trung Hoa nói Lý Công Uẩn là người Hoa. Thực ra không phải bây giờ người ta mới nói, mà là họ nhắc lại tổ tiên họ từ xưa đã nói “Lý Công Uẩn là người đất Mân”.
Về vấn đề này thì gần đây có bài của ông Ngữ Thiên viết cho BBC nói khá đầy đủ. Xin độc giả trannhuong.com coi lại bài viết đó thì rõ. Đại ý bài viết đề cập tới việc ghi chép sớm nhất về Lý Công Uẩn xuất hiện vào thời Tống, ghi trong sách “Mộng khê bút đàm” của Thẩm Quát. Trong đó Thẩm Quát viết: “Lý Công Uẩn là người đất Mân”. Sau Tư Mã Quang viết “Tốc thủy ký văn” lấy lại chi tiết về Lý Công Uẩn trong “Mộng khê bút đàm” của Thẩm Quát. Nguồn của “Mộng khê bút đàm” Thẩm Quát lấy ở Từ Bá Tường. Tất cả đều không có chứng minh nguồn gốc. Nên nhớ “Mộng khê bút đàm” của Thẩm Quát và “Tốc thủy ký văn” là những sách ghi chép tùy hứng chứ không phải là các sách khảo cứu hoặc sách chuyên biệt về lịch sử. Các sách này ghi chép lộn xộn, có nhiều điều sai lạc nên ngay từ thời Tống “Tốc thủy ký văn” đã liệt vào loại sách cấm.
Bây giờ ta thử xét về Từ Bá Tường. Vậy Từ Bá Tường là ai?
Theo Hoàng Xuân Hãn thì Từ Bá Tường quê châu Bạch thuộc Quảng Tây, Trung Quốc, đậu tiến sĩ nhưng không được bổ làm quan, nên đã ngầm giao thiệp với nhà Lý. Trong khi Tống Thần tông và Vương An Thạch rắp tâm chuẩn bị xâm lăng Đại Việt, Từ Bá Tường đã viết thử gửi vua Lý Thánh tông với nội dung:
“Tiên thế Đại vương vốn người đất Mân. Tôi nghe nói công khanh của Giao Chỉ cũng nhiều người đất Mân. Bá Tường này, tài lược không kém người, nhưng không được trọng dụng ở Trung Quốc. Vậy xin giúp Đại Vương. Bá Tường nghe rằng hiện nay Trung Quốc muốn cử binh đi diệt Giao Chỉ. Theo binh pháp dạy: Trước khi người có bụng cướp mình, thì chi bằng mình đánh trước. Lúc nào quân của Đại Vương vào đánh, Bá Tường này xin làm nội ứng”.
Đoạn văn trên ghi trong “Tục tư tri thông giám trường biên” của Lý Đào (thời Tống) trang 273 tờ 17a. Và trong sách “Tốc thủy ký văn” của Tư Mã Quang trang 12 (thời Tống).
Bức thư này chỉ có thể xuất hiện trước cuộc phạt Tống của Lý Thường Kiệt năm 1075 và trước khi Lý Thánh tông qua đời năm 1072.
Sau Từ Bá Tường được bổ làm tuần kiểm các châu Khâm, Liêm và Bạch có nhiều điều không tốt đối với Đại Việt, khiến nhà Lý cáo giác việc Từ Bá Tường khuyên ta đánh Tống. Năm 1078 vua Tống cách chức Từ Bá Tường và ép ông tự thắt cổ.
Xét như vậy đủ biết Từ Bá Tường không phải là người có nhân cách, cũng không phải người yêu nước Tống. Xem ra ông chỉ là người vị kỷ, vụ lợi.
Các phát ngôn và ghi chép của mấy người vừa dẫn về nguồn gốc của Lý Công Uẩn cũng không có cở sở lịch sử nào khả dĩ đáng tin. Nên nhớ, Trung Hoa có tới gần hai chục ngành sử, việc ghi chép của họ khá khoa học và tỉ mỉ. Nhưng trong các chính sử Trung Hoa không có sách nào ghi chép về nguồn gốc của Lý Công Uẩn.
Về lịch sử của ta thì trong Đại Việt sử ký toàn thư ghi mẹ ông giao cấu với người thần mà sinh ra ông ở hương Cổ Pháp.
Sự thật người ta hay huyền thoại hóa các nhân vật lịch sử từ Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn đến Lý Công Uẩn đều theo cùng một mô típ.
Nhưng xét ra ông đều có quê hương gốc gác và có cả cha mẹ anh em. Cho nên khi vừa lên ngôi, ông phong cho hoàng huynh (anh trai) là Vũ Uy Vương, hoàng thúc (chú vua) làm Dực Thánh Vương… như Đại Việt sử ký đã chép. Còn sách “Đại Việt sử lược” viết đời Trần ghi rõ hơn: “Vua Thái tổ tên húy là Uẩn người Cổ Pháp châu Bắc Giang sinh ngày 17 tháng 2 năm thứ năm niên hiệu Thái Bình (đời Đinh tiên hoàng) tức năm Giáp tuất (974). Khi lên ngôi truy phong cho cha là “Hiển Khánh vương”, mẹ là “Minh Đức hoàng hậu”. Và phong cho anh, cho em cũng giống như Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi. Như vậy là Lý Công Uẩn có nguồn gốc rõ ràng từ quê hương, cha mẹ tới anh em v.v..
Lại như sách “An Nam chí lược” của Lê Tắc viết vào khoảng năm 1300. Ông cùng Trần Kiện ra hàng quân Nguyên năm 1285 và viết “An Nam chí lược” trên đất Trung Hoa.
Trong quyển 12 mở đầu về nhà Lý và Lý Công Uẩn, Lê Tắc viết: “Giao Châu nhân (hoặc vị nhân, phi giã)”. Nghĩa là: Lý Công Uẩn người Giao Châu (có kẻ bảo là người Phúc Kiến, không đúng). Sự khẳng định mạnh mẽ của Lê Tắc cùng những điều ghi chép trong Đại Việt sử lược hoặc Đại Việt sử ký toàn thư là sự thật lịch sử không có gì phải bàn cãi thêm.
- Vậy chớ nước ta có dòng dõi nào cầm quyền gốc người Trung Hoa không. Nói theo cách ngày nay là người Việt gốc Hoa ấy.
- Có đấy nhà thơ ạ. Ví như dòng dõi nhà Trần. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Đời trước của vua (chỉ Trần Thái tôn tức Trần Cảnh) là người đất Mân (có người nói là người Quế Lâm), có người tên là Kình đến ở hương Tức Mạc phủ Thiên Trường, sinh ra Hấp, Hấp sinh ra Lý, Lý sinh ra Thừa đời đời làm nghề đánh cá”. Như vậy đến đời Trần Thái tôn dòng họ Trần vào nước ta mới được năm đời. Và đến Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải mới là đời thứ sáu.
Một người khác là Hồ Quý Ly, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Quý Ly tự là Lý Nguyên, tổ trước là Hồ Hưng Dật vốn người Chiết Giang đời Hậu Hán Ngũ quí sang làm thái thú Diễn Châu, sau nhà ở hương Bảo Đột châu ấy rồi làm trại chủ. Đến đời Lý lấy công chúa Nguyệt Đích sinh ra công chúa Nguyệt Đoan. Đến đời cháu thứ 12 là Hồ Liêm dời đến ở hương Đại Lại phủ Thanh Hóa, làm con nuôi của tuyên úy Lê Huấn, từ đấy mới đổi làm họ Lê. Quý Ly là cháu bốn đời của Hồ Liêm. Đời Trần Nghệ tông từ chức chi hậu cục chánh chưởng leo lên khu mật đại sứ, rồi tiểu tư không tiến phong đồng bình chương sự, gia phong phụ chính thái sư nhiếp chính, Khâm đức hương liệt đại vương, quốc tổ chương hoàng. Quý Ly giết con rể là Trần Thuận tông, cướp ngôi của cháu ngoại là Án mới ba tuổi để lên ngôi lập ra nhà Hồ.
- Tiên sinh ơi, ông giải thích như vậy thì tôi hiểu. Nhưng tại sao không thấy một người Trung Hoa nào nhận các vị anh hùng hào kiệt nhà Trần, nhất là Trần Quốc Tuấn là người Hoa nhỉ.
- Cái này cũng dễ hiểu thôi. Giới thông trị Trung Hoa từ xưa đã có thuộc tính chỉ nhận cái gì có lợi về mình. Ví như năm 2004, ta chuẩn bị kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, người Trung Hoa sang tận Paris (Pháp) tổ chức Hội thảo về chiến thắng Điện Biên Phủ và nhận chằng họ là tác giả của chiến thắng đó. Đúng là họ giúp ta rất nhiều như vũ khí, lương thực, quân trang và cả cố vấn, ta phải ghi việc này vào sử sách để mãi mãi biết ơn. Nhưng nhận là tác giả của chiến thắng Điện Biên Phủ thì quả là lố bịch. Điều đó không cần chứng minh vì cả thế giới đều biết. Lại như cải cách ruộng đất họ cũng giúp ta biết bao chuyên gia, cố vấn kể cả ép ta nữa, sao không thấy họ nhận là tác giả hoặc đồng tác giả. Còn như bác bảo không có người Trung Hoa nào đòi nhận Trần Quốc Tuấn trong khi rõ ràng Trần Quốc Tuấn là người Việt nhưng có nguồn gốc Trung Hoa cũng bởi ông là một đại danh tướng của Đại Việt đã hai lần đánh cho quân xâm lược nhà đại Nguyên đại bại. Đại bại đến đại nhục.
Người như cỡ Trần Hưng Đạo nhất định không phải là người Hoa rồi. Sự thật như Trần Hưng Đạo xưa hoặc Obama đương kim tổng thống Hoa Kỳ, một khi đã lãnh sứ mệnh cao cả mà dân tộc đó trao cho, đương nhiên họ đã tự coi mình 100% là công dân của xứ sở ấy, họ phải hành xử theo văn hóa và pháp luật của dân tộc ấy và họ phải đem tài năng sức lực, thậm chí cả tính mạng ra phục vụ cũng như bảo vệ đất nước mà họ được cả cộng đồng dân tộc tin tưởng trao vào tay họ.
Từ xưa cho tới nay, dân tộc ta chưa bao giờ kỳ thị cũng như mặc cảm về nguồn gốc của bất kỳ ai trong cộng đồng Việt tộc, một khi người đó đã hết lòng hòa nhập với cộng đồng.
Và như vậy ta có thể khép cuộc trao đổi lại được chứ nhà thơ.
- Vâng trannhuong.com xin cám ơn nhà văn Hoàng Quốc Hải về cuộc trao đổi lý thú và bổ ích này.