TNc: Hôm nay Đại hội Hội nghệ sĩ sân khấu đang diễn ra tại Hà Nội. Nhà văn, kịch tác gia Nguyễn Hiếu gửi đến TNc bài viết này góp thêm một tiếng nói. Xin giới thiệu cùng các bạn
Lại thêm một hội diễn sân khấu chuyên nghiệp nữa kết thúc. Bản báo cáo được đọc trên diễn đàn và phát cho các nhà báo chắc chắn sẽ lại có câu đại ý “hội diễn lần này đã thành công tốt đẹp “như một công thức mòn sáo và gần như bắt buộc phải có ở bất kỳ đại hội nào trên đất nước ta hơn nửa thế kỉ qua. 26 vở diễn đã trình làng, ba vở được vàng và thêm một hiện tượng có lẽ chỉ có thể diễn ra trong làng nghệ thuật Việt nam là ngừơi ngồi trên ghế giám khảo cũng được tặng giải thưởng vàng. Đấy là cách nhìn của ban tổ chức còn với con mắt của bất kì người nào đôi chút khả năng và ít nhiều có tình yêu đôi với sân khấu nước ta trong giai đoạn hiện nay thì hội diễn sân khấu đi qua đã làm tan vỡ tất cả mọi kì vọng sau bốn năm chờ đợi bộc lộ ra sự chán ngán trước hiện tình một hội diễn có thể coi là đỉnh cao,tập trung của sân khấu VN giai đoạn này. Ngay từ những ngày cuối cùng của hội diễn, nhà văn Nguyễn Quang Vinh có tác phẩm tham gia hội diễn, một nhà văn năng nổ và nhiều ngón nghề đã chán chường thốt lên “sân khấu thế này chỉ muốn buông bút”.Cắt nghĩa lời cảm thán tuyệt vọng kia ông cho biết “vở nào cũng có một chút gì đó hời hợt, chút gì đó vội vàng, chút gì đó định nói ra, bật ra những rồi lại nghẹn cứng”.Thanh Hiệp trên báo Người Lao động thì chỉ thẳng sự không chuyên nghiệp của hội diễn. Hầu hết các vở đều đề tài cũ và cách dựng cũ, vì thế nên ông hoàn toàn thất vọng nhiều hơn sau trông đợi 4 năm. Cát Vũ của báo Tuổi trẻ TPHCM thì ngao ngán bởi “tiếng thở dài trước “những ngôi nhà cũ “khi chứng kiến 26 vở trong hội diễn.Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái cố gắng tỏ ra mực thước cũng đành nói “sân khấu kịch nói năm 2009 vẫn chưa có nhiều điều mới “. Năm 2009 cũng như trên dưới một thập kỉ qua, hầu hết các đoàn kịch miền bắc đều sống lay lắt bằng kinh phí bao cấp của ngân sách ngoại trừ nhà hát Tuổi Trẻ đành lấy những sản phẩm phụ( kịch ngắn hài, tạp kĩ) để đỏ đèn. Sân khấu phía nam thì tự nguyện rời bỏ chức năng là một thánh đường cao quí của nghệ thuật, hàn thử biểu của đời sống xã hội để trở thành thú vui giải trí, trò chơi nghệ thuật mang đầy tính thương mại. Còn hội diễn sân khấu chuyên nghiệp vừa qua quả đã là bức tranh phản ánh tập trung, chân thực ảm đạm của sân khấu nước ta trong giai đoạn này.
Vì sao sân khấu kịch nói Việt nam nói riêng và sân khấu Việt nam nói chung rơi vào thực trạng đáng buồn này ?
Có thể nói trong các loại hình nghệ thuật, sân khấu luôn luôn được coi là một loại hình mà ở đó người xem nhìn thấy bức tranh cô đọng nhất, thời sự nhất của thực tế xã hội. Trong đó không ít vở của các tác giả tài năng người xem còn thấy được những dự báo, những thông điệp về những biến cố xã hội. Kiểu như Hăm lét, Côriôlan của Xếcxpia, dưới đáy của Goócki, nhà búp bê của Íp xen, bắn chết con vịt trời của Văm pi lốp… Thêm vào đó trong các vở diễn của các đạo diễn thiên tài người xem còn bị hấp dấp bởi những hình thức đa dạng, cách tân, phát hiện vẻ đẹp thầm kín của cuộc sống, phát hiện ra mạch ngầm kì diệu của con người mà chỉ bằng nghệ thuật kịch mới đủ sức trình bày, lý giải như trường hợp đạo diễn Xtanilapski đối với Kịch Sê khốp. Còn ở ta trên dưới hai thập kỉ qua sau sự đổi mới sân khấu gắn liền với tên tuổi của Lưu Quang Vũ vì nhiều lý do trong đó có lý do khá hành chính nhưng lại có tác động rất lớn đến chất lựơng kịch bản là sự chọn lựa kịch bản của các đoàn kịch,các nhà hát ( nhất là ở phía Bắc). Một phần do Hội đồng nghệ lãnh đạo của không ít đơn vị sân khấu tuân thủ cứng nhắc chỉ thị cấp trên đồng thời để yên tâm vở diễn của mình nên đa số chọn các kịch bản lành hiền, không thể tạo ra những cách hiểu nhiều nghĩa từ chủ đề đến hình thức thể hiện. Tránh xa những kịch bản có vấn đề được gọi một cách thời sự là “nhậy cảm” với sự thể hiện ít nhiều cách tân, sáng tạo. Phần thứ hai phải kể đến trình độ của hội đồng nghệ thuật thấp kém không hiểu và không quen sự sáng tạo của tác giả kịch bản nên căn cứ vào các tiêu chí quá cũ mèm của kịch bản gọi là khuôn mẫu trước đây để chọn lựa.Với những kịch bản loại hai, hiền lành và an phận như vậy cộng thêm những miếng đạo đã quá mòn của không ít đạo diễn kể cả những đạo diễn hàng mét của sân khấu VN nhưng đã qua thời sung sức không thể nghĩ ra những mảng trò mới đành lấy uy tín của mình để xào xáo các trò ,miếng quá cũ. Tôi lấy làm buồn khi thấy ở bất kì kịch bản nào dù đề tài hiện đại hoặc lịch sử cũng thấy đạo diễn bậc đàn anh này xử dụng mô típ minh họa ( vocalise’) theo hình thức vũ đạo. Nhưng nói gì thì nói kể cả sự yếu kém của đạo điễn nhưng với một kịch bản hay theo đúng nghĩ của nó thì vẫn đủ sức kéo khán giả đến. Minh chứng cho nhận định này phải dẫn lại trường hợp các kịch bản nóng hổi chất thời sự và đầy tay nghề cuả Lưu quang Vũ. Nhưng đáng tiếc bây giờ những nhà cầm cân của các đoàn kịch, các nhà hát không những không đủ trình độ và cũng không được cung cấp một tiêu chí nào để đánh giá chất lượng kịch bản đã để trượt và bỏ phí rất nhiều kịch bản sáng giá. Chính đây là thực tế đã tạo ra tình trạng kịch bản sân khấu ở ta vừa thừa vừa thiếu là vậy. Lỗi lầm này theo tôi thuộc về các nhà phê binh kịch bản sân khấu. Đó chính là khoảng trống quá hoang vắng gây tác hại không nhỏ trong việc chọn vở của HĐNT các nhà hát, các đoàn kịch. Không kích thích được sự sáng tạo của các tác gia sân khấu .
Nền phê bình văn học chung đã quá yếu
Đã từ lâu tôi từng khẳng định trong lĩnh vực sáng tác nền văn học Việt nam không phải có những thành tựu còn trong lĩnh vực lý luận phê bình thì lại quá yếu ngoại trừ trong khâu lý luận bao gồm cả văn học sử ít nhiều còn để lại những đóng góp với những tên tuổi như Đặng Thai Mai, Hoàng Xuân Nhị, Lê đình Kị, Phương Lựu… Còn trong khâu phê bình thì dường như trên dưới hàng ba bốn thập kỉ nay không có một tên tuổi nào xứng đáng với chức năng và tên gọi là nhà phê bình văn học. Nếu để triết tự từ phê bình thì thấy rõ ràng hai công việc song song phải làm là phê và bình.Chữ phê là từ đứng trước, tức là nó phải gánh trách nhiệm trọng tâm và lớn lao hơn chữ bình. Trong nghĩa gốc của từ này bao hàm rõ nhất chức năng phê phán để từ đó chỉ ra những cái được và chưa được của tác phẩm văn học. Qua sự phê thông thái, đúng đắn của nhà phê bình văn học người đọc nhận ra những điểm hay về mặt nội dung mà nhất là trong nghệ thuật của tác giả khi viết tác phẩm, tác giả thì từ sự điểm huyệt trúng của nhà phê bình khi đã tâm phục khẩu phục sẽ nhận ra cái ưu và nhất là nhược điểm trong tác phẩm của mình để từ đó hoàn thiện khi chữa lại tác phẩm hay khi bắt tay vào sáng tác tác phẩm tiếp theo. Với vai trò này Kim Thánh Thán có thể coi là đại diện xuất sắc. Trong thủ tục bình văn truyền thống của cha ông ta vai trò phê cũng rất được coi trọng khi chủ khảo một cuộc thi văn chương khuyên đỏ cho một từ, một câu hay và khuyên đen thậm chí đánh ba hèo, trăm trượng vào tác giả khi dùng một từ ,viết một câu dở. Còn ở ta các nhà phê bình văn học của ta từ lâu lắm rồi đã vứt bỏ chức năng phê mà coi trọng việc bình. Do đó dù muốn dù không các nhà gọi là phê bình văn học ở ta chỉ thuần úy là những người giới thiệu sách. Còn khi bình thì hầu hết các cây bút phê bình của ta dường như không có tính độc lập trong suy nghĩ mà phần nhiều phụ thuộc vào cách nghĩ, cách tư duy của tác giả để tán tụng tác phẩm. Bài viết mới nhất của Dương Kiều Minh về thơ Vi Thùy Linh hay bài của Đỗ lai Thúy về thơ Hoàng Cầm trên trang web của HNV là một minh chứng cho nhận định này. Ngô Vĩnh Bình một tên tuổi ít nhiều được biết trong làng phê bình vừa cho ra tập sách có thể coi như một tổng kết bước đầu sự nghiệp của mình. Mặc dù rất quí mến Ngô Vĩnh Bình tôi cũng không khỏi buồn khi đọc trên dưới 60 bài viết trong tập này chỉ thấy đa phần là những niên lãm sơ sài đánh giá tình hình văn học hàng năm( trong tập này có tới 11 bài), chân dung và kỉ niệm của các nhà văn bạn bè, tịnh không thấy một bài phê bình tác phẩm văn học nào đúng nghĩa. Ngô Vĩnh Bình vốn hiền lành ngại va chạm, khí chất này hạn chế rất nhiều khả năng sắc sảo và vốn kiến thức phong phú của ông khi là cây bút phê bình văn học. Còn gần đây các nhà duy danh là phê bình văn học thì lại càng xa rời chức năng phê bình, chỉ đường trong văn học khi họ tỏ thích lập ngôn, lập danh thông qua những cuộc tranh luận này nọ. Một nền phê bình văn học èo uột và chệch hướng như vậy trách chi ….
Sự hoang vắng của phê bình sân khấu
Khi Gô Gôn gần ba mươi tuổi cho ra kịch bản hài ‘quan Thanh tra “ hay Gribaiiđốp công bố hài kịch “khổ vì trí tuệ “thì nhà phê bình vĩ đại Bêlin xki lập tức cho ra hàng loạt bài phê bình khen ngợi hai kiệt tác này đồng thời chỉ ra những điểm yếu trong kết cấu, hành động kịch cũng như tính cách nhân vật và cả những đối thoại đáng ra phải viết chuẩn hơn của hai tác giả. Hai nhà văn này sau các bài viết của nhà phê bình đã liên tục sửa tác phẩm của mình ngay cả khi kịch bản đã được trình diễn trên sân khấu, chính vì thế nên hai kịch bản này cho đến nay trở thành hai tác phẩm kinh điển trong nghệ thuật viết kịch thế giới. Xtanilapski vừa là một đạo diễn tài năng( ông rất thành công khi đạo diễn kịch Sê Khốp ) nhà lý luận đồng thời là nhà phê bình sân khấu sành sỏi( chính ông đã tìm ra mạch ngầm của xung đột trong kịch Sê khốp ) đã viết hàng loạt bài phê bình kịch Gooc Ki giai đoạn đầu nên các kịch bản sau của nhà văn vô sản này ngày càng hoàn thiện và đạt điểm đỉnh với kiệt tác dưới đáy …Còn ở ta dường như không có một tên tuổi nào xứng đáng được gọi là nhà phê bình sân khấu, kể cả Nguyễn Văn Thành, hay tiến sĩ Nguyễn thị Minh Thái … những người được trong giới sân khấu coi là am hiểu và gắn bó với sân khấu. Đã thành một thói quen mỗi khi có một vở diễn ra đời là nhà hát, hay đoàn kịch mời một số nhà báo, nhà chuyên môn tạm gọi là hiểu biết sân khấu giới thiệu và cho họ xem vở diễn để sau đó trên mặt báo lại tung lên đôi ba bài báo có một kết cấu rập khuôn. Khen một chút về đề tài, nội dung, hình thức sau đó là cố tìm ra một số nhược điểm với các liên từ giá như, nếu tác giả …còn đối với các kịch bản chỉ thuần túy in ấn thì dường như là sự kính y viễn chi đối với các các vị chuyên làm công việc giới thiệu kịch này. Chính vì sự trống vắng này nên các kịch sân khấu của ta gần đây không ít kịch bản được đoàn nọ đoàn kia dựng trên sân khấu chỉ dừng ở mức nghiệp dư. Không ít các soạn giả kịch bản hầu như không biết ngôn ngữ sân khấu ngoài sự điển hình, cô đọng cho các tính cách nhân vật còn là thứ ngôn ngữ thông điệp cao sang. Không phải ngẫu nhiên khi hầu hết các danh tác của các nhà viết kịch cổ đại Hy lạp và La Mã, các kiệt tác tuồng, chèo của ta, của Xếcxpia ,của Gớt ,Sin lơ… đều viết bằng các thể loại thơ. Giai đoạn gần đây kịch Kiều Loan của Hoàng cầm được dựng lại tạo ra sự trang trọng của văn chương và sức hấp dẫn trong sáng chính vì chất thơ trong chủ đề và trong lời thoại. Còn bây giờ không ít kịch bản được bào chữa là để mô tả ngôn ngữ đời thường đã đưa lên sân khấu những đối thoại có quá nhiều lời dung tục, thô thiển …Lan Hương một trong những nghệ sĩ của nhà hát kịch Việt nam có khả năng sử lý đài từ chuẩn xác và rất linh hoạt các đối thoại nhân vật đã có lần nói với tôi là chị cảm thấy ngượng khi phải nói lời thoại của nhiều kịch bản mà tác giả bê nguyên xi cách nói dung tục của đời thường lên sân khấu. Đó là chưa kể các kịch bản đứng về mặt nghệ thuật còn quá non ớt từ cách xây dựng tính cách nhân vật các dẫn giải xung đột …Nhưng đáng tiếc trước các kịch bản thấp, yếu về nghệ thuật cùng sự thiếu các hình thức sáng tạo của không ít các đạo diễn như vậy lại thiếu những làn roi của các nhà phê bình thành ra nó vẫn mặc nhiên tồn tại và các tác giả thì vẫn ảo tưởng về khả năng của mình
Cái xẩy nẩy cái ung, sự trống vắng trong phê bình sân khấu đã đến lúc báo động vì đây chính là một trong những nguyên nhân làm sân khấu Việt nam trong vài ,ba chục năm nay tù túng và nghèo nàn. Sự tù túng và nghèo nàn đó là khởi đầu khiến sân khấu của ta mất dần sức hấp dẫn với khán giả là vậy
Quỳnh Mai 13/10 /2009
Nguyễn Hiếu