Những ngày qua trên cả nước sống trong không khí tưng bừng trong một cuộc kỷ niệm trọng đại 50 năm ngày giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước.
Một chuỗi các sự kiện đã diễn ra và sẽ đánh dấu bằng cuộc diễu binh hoành tráng của các quân binh chủng có máy bay bay qua lễ đài và buổi tối bắn pháo hoa rực rỡ trên bầu trời thành phố Hồ Chí Minh. Đã mời khoảng 20 nước tham dự cuộc kỷ niệm,có các đơn vị của quân đội Lào và quân
đội Campuchia cùng tham gia diễu binh với Quân đội nhân dân Việt Nam biểu trưng cho tình đoàn kết chiến đấu của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.Tham gia diễu binh còn có một đơn vị của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc là một tín hiệu có ý nghĩa thể hiện mối quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân và quân đội hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các nhà lãnh đạo khác đã vào thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhiều cuộc tri ân với cựu chiến binh, các tướng lĩnh, các đối tượng chính sách và những người đã hi sinh xương máu trong cuộc đấu tranh lâu dài và anh dũng của dân tộc vì độc lập tự do, thống nhất đất nước.
Kỷ niệm ngày trọng đại này là dịp để toàn dân tự hào với truyền thống đánh giặc giữ nước nhưng đồng thời cũng cảnh tỉnh về những hi sinh to lớn không gì bù đắp được và quan trọng hơn cần có nhận thức và hành động để đất nước được sống trong hòa bình tập trung nguồn lực cho xây dựng và phát triển đất nước.
Tuy nhiên theo dõi sự tuyên truyền cùng những hoạt động trong cuộc kỷ niệm này vẫn đọng lại nhiều điều suy nghĩ.
Một là dường như vẫn chưa quan tâm thỏa đáng đến tính nhân văn và sự khoan dung... Đã nửa thế kỷ trôi qua nhưng những vết thương chiến tranh vẫn còn hiện hữu trên mọi miền đất nước và đặc biệt thể hiện trên những con người bằng xương bằng thịt. Hàng triệu thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam dioxin cùng nhiều chân thường bị tai nạn chiến tranh ở bên chiến thắng cần được Đảng, Nhà nước và nhân dân tri ân và chăm lo sức khỏe và đời sống cho họ một cách tốt nhất... Nhưng mặt khác trong giới lãnh đạo liệu có ai nghĩ đến cũng có hàng triệu thương phế binh và nạn nhân chất độc da cam và dân thường cũng bị tai nạn chiến tranh của những người ở phía bên kia chiến tuyến được coi là kẻ thù trong cuộc chiến tranh cũng đang sống cơ cực ở miền Nam Việt Nam có lẽ cũng cần được quan tâm ở khía cạnh nhân đạo. Câu nói của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong ngày này có hàng triệu người vui nhưng cũng có hàng triệu người buồn liệu có ai hôm nay vẫn còn day dứt lương tâm để có sự ứng xử trong tình nghĩa đồng bào cùng chung một cội.
Hai là các hoạt động kỷ niệm còn phô trương hình thức và lãng phí. Có thể kể ra rất nhiều các việc làm hình thức và lãng phí. Xuất hiện trên mạng một câu hỏi khiến ai đọc cũng thấy buồn liên tưởng đến băng rôn khẩu hiệu tràn lan:-Tại sao các nước công nghiệp phát triển khan hiếm các khẩu hiệu.
Ba là tuyên truyền cho ngày kỷ niệm cần đúng tầm vóc của sự kiện lịch sử nhưng cũng cần tính đến khía cạnh chính trị và ngoại giao hiện nay. Rất nhiều từ ngữ được nhắc đi nhắc lại có thể gây niềm tự hào cho những người bên chiến thắng nhưng sẽ làm mủi lòng những người bên thua cuộc dù hiện nay họ không chịu trách nhiệm gì trong cuộc chiến đã qua. Tôi nhớ cách đây 30 năm khi tôi được theo Đoàn của Chủ tịch nước Lê Đức Anh tham dự cuộc kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến thắng chủ nghĩa phát xít do Chính phủ Pháp tổ chức. Trước hàng chục vạn nhân dân Pháp có mặt trên Khải Hoàn môn trong cuộc kỷ niệm, trong đó có hơn 100 đoàn quốc tế tham dự cuộc diễu binh hoành tráng trên quảng trường Khải hoàn môn ở Paris, Tổng thống Pháp P.Mit-tơ-răng đọc diễn văn không thấy một đoạn nào có tính chỉ trích và mặt sát nhân dân Đức và đoạn kết luận có câu:-Cộng đồng quốc tế trong đó có Chính phủ và nhân dân Đức cần có những hành động để ngăn ngừa thảm họa của chủ nghĩa phát xít vì một nền hòa bình an ninh bền vững cho tất cả các dân tộc.
Nước Pháp kỷ niệm ngày Chiến thắng Chủ nghĩa phát xít Đức nhưng không có những ngôn từ mạt sát và sỉ nhục nước Đức mà thể hiện thái độ cộng tác với Chính phủ và nhân dân Đức trong việc cần ngăn chặn thảm họa phát xít xảy ra trong tương lai.
Trong các áp phích về Đại thắng mùa xuân năm 1975 có áp phích vẽ con chim bồ câu đứng trên chiếc mũ sắt của quân đội Mỹ và bên dưới là lá cờ của nước Mỹ rách tả tơi. Không hiểu sao có họa sĩ lại có suy nghĩ như thế để vẽ nên bức áp phích này và thật đáng trách tại sao lại có người có thẩm quyền duyệt bức áp phích này để trưng lên trên đường phố. Giá như trong những ngày kỷ niệm này có những tấm áp phích mô tả đất nước, nhất là miền quê có cảnh yên vui thì hẳn là ý nghĩa và tạo niềm tin tưởng hưng phấn cho mọi người dốc lòng xây dựng quê hương giầu đẹp thanh bình.