Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HỒN QUÊ

Đắc Trung
Thứ năm ngày 8 tháng 5 năm 2025 9:20 AM


Tôi quê làng Mai Độ, xưa thuộc tổng Lạc Chính, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Hầu như dân tộc văn minh nào cũng sản sinh ra huyền thoại hoặc truyền thuyết lý giải về nguồn gốc của mình. Người Nhật Bản có chuyện "Thần Mặt Trời". Người Trung Hoa có truyền thuyết "Ông Bàn Cổ". Người Việt Nam có thần thoại "Lạc Long Quân - Âu Cơ"...
Làng Mai Độ chúng tôi gắn với một huyền thoại trữ tình tuyệt vời.
Chuyện rằng xa xưa. Nơi đây là rừng rậm, hổ báo cùng biết bao loài thú dữ. Một con mãng xà nằm cuộn mình tu luyện đủ 400 năm hoá rồng bay lên trời để lại nơi đã nằm vạt thảo nguyên xanh biếc, cỏ non mơn mởn. Rồi bỗng xuất hiện một chàng trai tên gọi Lưu Hương ngày ngày sống với đàn dê lông trắng như tuyết.
Lưu Hương thân hình cân đối, gương mặt thanh tú và giọng hát du dương. Anh còn có tài thổi sáo. Tiếng sáo, tiếng hát bay theo gió vượt qua chín tầng mây lọt vào tận cung động của các thiên thần. Bạch-y Tiên-nữ, một thiên thần áo trắng say mê đến ngơ ngẩn. Nàng trốn xuống hạ giới bí mật kết duyên với chàng chăn dê đẹp trai, tài hoa ấy. Không bao lâu, chuyện đến tai Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng giận dữ sai Thiên Lôi xuống hạ giới bắt nàng về Trời trị tội. Đau khổ và bất lực. Bạch-y Tiên-nữ khóc lóc thảm thiết bên người yêu rồi nuốt lá độc tự tử. Lưu Hương đặt xác vợ lên thảm cỏ, đau đớn vật vã. Trời tự nhiên tối sầm. Mây đen vần vũ. Cuồng phong ầm ầm. Sấm rền. Chớp loé. Mưa như thác đổ. Một tiếng sét khủng khiếp. Đất trời rung chuyển. Xác Bạch-y Tiên-nữ bỗng biến thành trái núi giống hệt dáng nàng đang nằm.
Đó là núi Tiên Sa (Nàng tiên sa).
Ba năm sau. Một hôm Ngọc Hoàng bỗng thấy lòng trĩu buồn, ngậm ngùi nhớ thương con gái. Bèn sai rồng Long Tự xuống hạ giới uốn mình bên núi Tiên Sa để đêm ngày hầu hạ Bạch-y Tiên-nữ.
Long Tự chính là con đại mãng xà tu luyện đắc đạo hoá rồng thuở trước. Long Tự hoá sông.
Đó là sông Thiên Phái (Trời phái).
Người già làng tôi kể vào những đêm khuya trăng thanh. Lẫn trong gió vi vu, tiếng sáo, tiếng hát của chàng Lưu Hương bất hạnh vẫn cất lên tha thiết gọi người yêu nghe thương tâm đến xé ruột, xé lòng. Cũng từ câu chuyện xót xa đó mà bao đời nay người làng tôi không bao giỡ nỡ ép duyên con cháu.
Ông Đặng Đình Bạn theo dân phu mộ sang Tân Thế Giới từ mười sáu tuổi. Phiêu dạt khắp rốn bể chân trời, rồi làm thuỷ thủ cho tàu buôn Bồ Đào Nha. Một lần cập đảo Ma-đa-gat-xca (Châu Phi). Chiều buồn, ông lang thang dọc bờ cát trắng, rồi ghé ngồi trên một phiến đá nhìn biển xanh xa xăm, lòng da diết nhớ quê, thì bỗng nghe gần đâu đấy giọng một người Việt. Ông hồi hộp lắng nghe và đưa mắt nhìn sang. Người Việt ngồi giữa, xung quanh là những người bạn da màu. Anh ta đang kể cho họ nghe câu chuyện "Sông Thiên Phái - núi Tiên Sa".
Cố gắng lắm ông mới giữ được bình tĩnh rồi nhào sang, ôm chầm lấy, giọng xúc động không kém:
- Anh vừa kể câu chuyện về làng tôi.
- Về làng anh? - Người bạn ngơ ngác hỏi.
- Vâng. Làng tôi. Làng Mai Độ, tổng Lạc Chính, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
- Còn quê anh?
- Quê tôi...
Họ ôm chầm lấy nhau nghẹn ngào, mắt rưng rưng lệ và cứ ôm nhau như thế rất lâu. Trước sự ngạc nhiên của những người bạn ngoại quốc.
Thì ra họ không chỉ cùng quê mà còn là anh em họ. Người ấy là ông Đặng Đình Sánh. Ông Đặng Đình Bạn là cậu ruột tôi và ông Đặng Đình Sánh là cậu họ tôi. Huyền thoại "Sông Thiên Phái - núi Tiên Sa" đã làm sống dậy trong ký ức họ những kỷ niệm từ tuổi ấu thơ. Họ quyết định sẽ thu xếp tìm đường hồi hương.
Nhưng rồi thế chiến thứ hai bùng nổ. Cậu Bạn của tôi mất tích không trở về. Hồi hương chỉ có gia đình cậu Đặng Đình Sánh.
Chao ôi, mới biết sức sống của một làng quê, một dân tộc đã ngấm sâu vào máu thịt, trái tim, khối óc, trong ký ức mỗi người. Có khi chỉ từ một câu chuyện cổ, một áng ca dao, một làn điệu chầu văn, trống quân, cò lả... Sức sống ấy mãnh liệt đến nỗi bứt người ta ra khỏi cuộc sống vật chất đủ đầy để trở về Tổ quốc, về với làng quê nơi Đất Mẹ.
Có hiểu sâu sắc ý nghĩa từ tên gọi từng làng, từng xóm, ngọn núi, dòng sông, cánh đồng, con đường, bến đò. Cho tới từng loại cây trái, món ăn ngon, câu chuyện cổ, áng ca dao, dân ca... và những đặc trưng cốt cách người dân quê mình. Mới thấy quê mình đẹp. Mới yêu thương, gắn bó và trách nhiệm. Mới tìm cách làm cho quê mình giàu đẹp thêm. Mới không bao giờ mất gốc quên cội nguồn.
Đó chính là "Hồn quê" luôn in sâu trong đời sống tinh thần chúng ta. Thiêng liêng vô cùng. Bởi "Hồn quê" là phẩm chất cao quý của người Việt.
Ngày nay vật đổi sao rời. Đó là chuyện đương nhiên. Nhưng khi thay tên cũ bằng tên mới, nhất là những vùng đất cổ. Nếu không cẩn trọng cân nhắc kỹ. Nhất là thay bằng những con số vô cảm vô tình. Thì chính chúng ta đã góp phần giết chết “Hồn quê” một yếu tố không thể thiếu trong đời sống tinh thần người Việt.
ẢNH: 1/ Làng Mai Độ yêu quý của tôi. Nằm giữa "Sông Thiên Phái - núi Tiên Sa".