Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thân phận nhà khoa học – người lính viết lịch sử diễn ca

Phạm Ngọc Khảnh
Thứ ba ngày 30 tháng 11 năm 2010 8:45 AM
           Ngày 21 tháng 11 năm 2010 tại thành phố Nam Định chúng tôi cùng gia đình anh Vũ Trung Chính đã tổ chức giới thiệu tác phẩm “Việt Nam lịch sử diễn ca của anh. Rất vinh dự có mặt của một số các bác các anh trong hội nhà văn và bầu bạn: Nguyễn Đăng Bẩy, Nguyễn Địch Long, Lê Hoài Nam, Phạm Trọng Thanh, Đào Vĩnh và các đại biểu đại diện cho Hội VHNT Nam Định cùng đại biểu chính quyền địa phương.
 
           Xin các vị cho tôi được mạo muội đôi lời bổ sung bên lề tiêu mục giới thiệu sách của Vũ Trung Chính hôm nay.
           Là một con người góc cạnh, cụ thể và chu đáo, chu đáo đến mức khó chịu. Dù ở đâu, làm gì, dài vắn thế nào đều để lại ấn tượng khó mà quên cho được; ấy là Vũ Trung Chính. Sự nghiệp đời anh có thể tóm tắt: Sinh viên – binh nghiệp – khoa học và bây giờ nhúng vào văn chương: viết sử. Sinh ra từ manh ddats Đại Đê, Vụ Bản “Nam Định tứ cùng” của vùng Sơn Nam Hạ xưa kia. Anh học giỏi, năng động nên ngay từ khi ra trường, những năm đầu của thập kỷ 60 thế kỷ trước. Là sinh viên thực tập trong đoàn chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp do ông Bùi Huy Đáp trưởng đoàn, anh được “cắm” ở hợp tác xã, chỉ qua một vài vụ hướng dẫn nông dân làm thành công cây lúa xuân, đưa hợp tác xã Nam Giang huyện Nam Trực trở thành điểm sáng có tiếng trong tỉnh. Thành tích ấy, anh được kết nạp Đẳng “tại trận”, khi mới 26 tuổi đời đầy triển vọng. Tiếng lành đồn xa, đích thân bí thư huyện uỷ Đỗ Thuân xin anh về Vụ Bản để đào tạo, bồi dưỡng. Thế là từ một kỹ sư giỏi chẳng mấy chốc đã trúng chân Trưởng phòng huyện, rồi ngấp nghé cấp uỷ. Nhưng nghe đâu do chưa qua thử thách chiến trường, nhà có hai anh em trai chưa có ai đóng góp nên để lại không cơ cấu... Cay, anh hăng hái sung vào bộ đội rồi đi B luôn. Cơ sở biết tin ai cũng tiếc !
           Mặt trận miền Nam đang những ngày khốc liệt, anh chiến đấu ở địa bàn Quảng Trị suốt từ tháng 4 năm 1972 đến chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc, là một trong những người sớm đặt chân vào dinh Độc Lập. Đơn vị anh sư 325 khét tiếng bám trụ, bọn địch phải kêu là “con rồng đất”. Gần như thường xuyên giữ chốt, ở chiến trường “chốt” gần với “chết”... Chuyện với tôi, ở chiến trường anh nhớ vanh vách từng chi tiết, ngày vào Nam, những ngày giữ chốt, ngày giải phóng Quảng Trị, ngày ký hiệp định Pari ngừng bắn, ngày bao? vệ Cửa Việt v..v... như thuộc lòng bàn tay. Nghĩa là những năm tháng đổi từng tấc đất bằng máu ấy đã khắc vào tâm khảm của anh vừa tự hào vừa xót thương đồng đội ! Kết thúc chiến tranh trở về hòn tên mũi đạn tránh anh, cơ thể còn nguyên vẹn.
           Vậy là trong anh có đủ tư chất một kỹ sư và một đời lính. Xuất ngũ, anh không trở lại huyện quê để báo cáo thành tích “đã qua thử thách” mà vòng lên tỉnh lần lượt giữ chức vụ lãnh đạo các Phòng Ban: Trồng trọt, Kế Hoạch, Trung tâm, làm Phó Bí thư rồi Bí thư Đảng uỷ sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà-Nam –Ninh, Nam Hà.
           Nhưng con người góc cạnh đến mức khó chịu ấy luôn luôn gặp nỗi gian truân, cơn gió không lành lại thổi tạt vào anh bây giờ không phải là “xuống chốt” mà... “xuống cấp” tuốt tuột không đâu. Chả là, giữa cái thời “lột xác” xoá bao cấp ấy, lãnh đạo phòng Trồng trọt – một phòng xương sống của Sở, anh cùng tập thể Kỹ sư đã tạo dựng bao nhiêu điển hình: cây khoai tây đất ướt Đạo Lý, lúa Xuân Phương, ngô trên đất hai lúa Khánh Hải, vụ đông Yên Nhân... rồi phong trào gieo mạ nền, mạ sân, gieo thẳng, đưa vụ lúa xuân thay dần vụ chiên rét mướt. Mở màn thời kỳ chói lọi trong nông nghiệp ở một tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt “tiền khoán 100”, các anh đã dám chỉ đạo “khoán chui” cây màu ở Khảnh Hải bị lãnh đạo lôi về “cạo” cho một mẻ nên thân. Tức chí anh cãi lại “các ông chỉ quen khoán đường nhựa”. Để bụng và có lẽ cũng là một trong nhưng nguyên nhân hậu hoạ sau này. Mặc dù nghe nói dạo ấy Sở tổ chức “thăm dò” uy tín chọn phó giám đốc Sở anh là người phiếu cao hơn cả, nhưng sau không vào hàm đố nào, lại thôi !
           Cái đận ở Trung tâm mới thật là đáng nói. Cùng với chuẩn bị một bước tiếp thu co che quản lý , phải biên chế sắp xếp lại. Sở Nông nghiệp nhặt nhạnh hơn 30 kỹ sư đủ loại dôi ra từ các phòng ban cho ra đời một Trung tâm chuyển giao kỹ thuật, có cả chức năng dịch vụ. Anh được chọn làm giám đốc. Tỉnh “thương hại” quẳng cho 450 tấn thóc quá hạn từ kho dự trữ quốc gia B01 bán sang tay 240 đồng/cân, vun vén được 108 triệu đồng, hý hửng mà run, vì bọn tôi xưa nay chỉ quen đánh giặc mồm bèn bảo nhau gửi quách vào ngân hàng lấy lãi đập dần lên trả nợ, lãi suất bấy giờ những 6%/tháng. Ai ngờ 6, 7 tháng sau tỉnh phích sang đòi nợ, không phải bằng tiền mà bằng thóc, tính ra 530 đồng/cân. Vậy là thiếu đứt hơn 200 triệu, tương đương lãi suất 26%/tháng. Các đoàn kiểm tra liên ngành, công an, tài chính, thanh tra, viện kiểm sát rầm rập kéo vào, anh em nhìn nhau xanh mắt. Công an đe phen này cho “lên bờ xuống ruộng”. Cũng may chẳng ai to hào gì, cuối cùng vẫn bị khép vào “tội” “làm thất thoát tài sản của Nhà nước” (!) và cho đi tàu suốt...
           Của đáng tội, kẻ đánh có người xoa, biết bọn này tai bay vạ gió nên tỉnh luồn cho một ít phân đạm thông qua công ti vật tư nhờ bán chênh lệch để trả đậy. Nhưng lại có kẻ hớt tay trên, cuối cùng nợ không hoàn đủ vẫn phải chịu tội (chuyện dài dài này ai cũng biết). Tức chí chung tôi kiện lên “Triều đình” vụ kiện kéo dài hơn 3 năm trời, cả tỉnh, trung ương lăn vào gỡ như gà mắc tóc. Cuối cùng họ vẫn giữ chú sĩ điều, bỏ con tốt nhẻm...
           Lại nói trong lúc sóng gió, chúng tôi Vũ Trung Chính, Phạm Ngọc Khảnh, Lê Văn Nhạ vì máu nghề nghiệp đã “lặng thầm” tổ chức khảo nghiệm, triển khai chương trình khoa học – lúa vô tính suốt ba năm “90, 91, 92” có kết quả. Tiếng lành đồn xa, ngày 8 tháng 11 năm 1992 Bộ Nông nghiệp mở hội nghị mời các tỉnh phía Bắc về xem. Sau đó tỉnh quyết định cho ra đời Ban Chương trình lúa lại VL901 do anh và tôi làm thường trực. “Thành tựu khoa học này được FAO đánh giá là một công trình có tầm quan trọng trong lĩnh vực trồng lúa nước trên thế giới” (Báo Nhân dân 09-08-1997). Hai chúng tôi ngồi trong 3 gian nhà cạnh phòng thường trực đầu cổng cho đến ngày mỗi người một ngả. Tôi về phòng Hành chính giữ chân vẽ vời khen thưởng, còn anh sau 1 vòng 10 năm trời lại quay lại phòng Trồng trọt cũ, khi đi lên 9 lúc về sạch trơn... Anh Lê Văn Nhạ nay đã là Tiến sỹ...
           May mà, năm 1997 Bộ Nông nghiệp chọn một số kỹ sư có máu mặt đi chuyên gia làm lúa giúp bạn Xê-nê-gan. Trúng số độc đắc, đây cũng là hồi chót vẻ vang của anh. Lúc chia tay tôi anh bộc bạch: gần hết đời rồi, chìm nổi vẫn hoàn tay trắng, nghèo, đi để may ra kiếm được vài đồng cho vợ con, đỡ tủi.
           Xê-nê-gan thuộc vùng Tây Phi, tiếp giáp sa mạc Sa-ha-ra, sản xuất nông nghiệp đầy gian khổ vì tính khắc nghiệt của thời tiết, đất nghèo kiệt, trình độ dân trí thấp, ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà đều khiếm khuyết cả. ở đây lương mưa hàng năm chỉ 300 li, nhiệt độ bình quân 35-38 độ c, ngày nóng lên đến 42-45 độ. đến cái lá cũng nhỏ quắt lại và đâm đầy gai góc mới sống nổi. Người ta phá rừng thưa đi để làm lúa. Trước đó cũng có một số chuyên gia Nga, Trung Quốc sang giúp, năng suất cũng chỉ đạt bình quân 2-3 tấn/ha. ở đây anh đã vận dụng kiến thức Việt Nam: gieo mạ dược non, cấy chăng dây thẳng hàng mật độ dày hoặc gieo thẳng mật độ cao... len lách thời vụ đón mưa, đã đưa năng suất lên 6,2 rồi 7-8  tấn/ha ở vùng Ma-tam, Pô-đo.
           Với tác phong miệng nói tay làm, kết quả ấy đã để lại tình cảm sâu đậm với người dân Nam Phi. Lúc chia tay nhiều người dân dấn nước mắt. Một nông dân, lính Lê Dương cũ bộc bạch: tôi có biết Cụ Hồ, biết ông Võ Nguyên Giáp, giờ lại được gặp ông, sao các ông làm lúa cũng giỏi thế... Ngày ấy báo Đảng đăng về vị thư ký Liên Hiệp Quốc Ko-fi-an-nan có điều ước nguyện “tôi sẽ rất hạnh phúc nếu làm được điều gì đó ở Châu Phi mà có thể giúp lục địa này tự nuôi sống lấy chính mình”. Điều ước nguyện ấy Vũ Trung Chính – nhà khoa học Việt Nam của chúng ta đã làm được, dù chỉ mới đầu và rất nhỏ.
           Như vậy gần trọn quãng đời trai trẻ anh đã cống hiến sức lực của mình cho khoa học, cho đất nước chiến tranh. Về hưu 5 năm nay anh lại cặm cụi ngồi viết diễn ca lịch sử. Thật cảm thương và khâm phục biết bao nhiêu !
           Không biết có phải như điều Nguyễn Trãi nêu “phúc hoạ có nguồn” . Gốc họ Vũ Đại Đê cụ Vũ Hồn ở làng Mộ Trạch Hải Hưng, “làng Tiến sỹ” có tới 36 người đỗ đạt ghi trong danh mục “Các nhà khoa bảng Việt Nam” có tên trên bia Quốc Tử Giám.
           Đại Đê huyện Vụ Bản quê anh có truyền thống học hành từ thời Lê Sơ đã có Đại học sĩ Vũ Vĩnh Trinh đỗ tiến sỹ từ khoa Minh Kinh năm Kỷ Dậu niên hiệu Thuận Thiên 2 (1429) đời Lê Thái Tổ, ông làm quan đến chức Hàn Lâm Viện Học sỹ, quyền Lễ bộ thị lang... con trai ông Vũ Duy Thiện đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ suất thân khoa Mậu Tuất niên hiệu Hồng Đức 9 (1478) đời Lê Thánh Tông. Làm quan đến Hiến sát sứ, Nhập thị kinh diên, tước tử. Ông từng được cử đi sứ nhà Minh.
           Thời Lê Cảnh Hưng (1740 -1787) Đại Đê có những bậc tướng tài, một nhà ba cha con ông cháu quận công: Quảng quận công tướng quân Vũ Ngọc Phong (Vũ Huệ Nghiêm). Quận công trụ quốc thượng trật Vũ Văn Thiêm. Phụ quốc thượng tướng quân quận công trụ quốc Vũ Công Trạch được phối thờ cùng với thành hoàng Hoàng Đăng Vương Phạm Bạch Hổ, ghi danh trên bia đá đền Vua Mây...
           Thời nay Đại Đê có 3 tiến sỹ: Vũ Thành Hải, Vũ Trung Tạng và Ngô Văn Nhạ; Nhà giáo nhân dân, giáo sư, tiến sỹ Vũ Trung Tạng là anh ruột Vũ Trung Chính.
           Xem vậy mảnh đất Đại Đê xưa nay đã sản sinh nhiều bậc văn quan, võ tướng, trí thức tài danh. “Như thế nghĩa là mạch nguồn linh khí văn chương đất này vẫn đang âm thầm chảy” (Lê Hoài Nam).
           Với Vũ Trung Chính ngoài tập “Việt Nam lịch sử diễn ca” ra còn bản thảo dày dặn về hồi ký chiến tranh, những ngày Quảng Trị khói lửa anh đang tìm cách suất bản. Chúng ta trân trọng chờ đón và thực sự vui mừng về thành quả lao động đáng quý của anh.
 
Hà Nội mùa thu nghìn năm lịch sử