Đám rước Thành Hoàng Làng. (Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn - Lai Xá)
*
Dao sắc không gọt được chuôiLai Xá là một làng cũng có nhiều cái lạ. Nằm cùng trong một vùng quần cư cửa ngõ Xứ Đoài giáp gianh với Thăng Long Hà Nội mà chỉ có làng Lai một mình một giọng nói. Nghe nặng gần như giọng Xứ Nghệ mà lại không giống Nghệ ở lối phát âm khá tròn vành rõ chữ ở tất cả các ngôn từ. Các làng xung quanh như Nhổn, Đăm, Gối, Giang, Lưu, Thìa, Ải thì trừ làng Lưu Xá (giống giọng Thạch Thất - Sơn Tây) còn tất cả hơi ngọng ná ná giống nhau. Người Lai Xá tha hương xa tới đâu, không biết mặt nhau nhưng có thể nhận ra người làng nhờ giọng nói độc nhất vô nhị mỗi khi chạm chán nhau.
Lai Xá cổ xưa là làng thuần nông với nghề canh cửi lúc nông nhàn. Người đầu tiên đưa nghề dệt luạ chăn tằm tới phát triển ở Lai Xá là một bà vợ của Đức Thành Hoàng Làng Trần Lão (An Sinh Vương Trần Liễu - bố cuả Đức Thánh Trần Hưng Đạo). Tuy chưa có một nghiên cứu qui mô nào, nhưng di tích Đình Đụn (đã được công nhận di tích LSVH) ở giữa làng với di tích Vườn Dâu (cách đình chừng hơn trăm mét về phía Tây - nay đã bị xoá sổ để làm nhà ở) có thể đã minh chứng hùng hồn điều đó.
Tới cuối thế kỷ 19, khi nghề ảnh du nhập vào VN, thì Lai Xá được các nhà nghiên cứu xác nhận là cái nôi cuả nghề ảnh ở nước ta, với ông tổ là Nguyễn Đình Khánh (Khánh Ký) từng có hiệu ảnh cả ở Hà Nội, Sài Gòn và Paris.
Thời xưa thợ ảnh người làng chủ yếu là đàn ông. Hầu như người thợ cày Lai Xá nào cũng biết nghề chụp ảnh. Người viết những dòng này cũng là con cuả một người thợ thợ ảnh nổi tiếng. Nhưng chuyện làng nghề xin để một dịp khác. Hôm nay xin bàn đến chuyện của hai cha con vị giáo sư tiến sỹ về dân tộc học nổi tiếng người làng.

Đó là giáo sư Nguyễn Văn Huyên!
Ông được mọi người biết đến như một nhà văn, nhà khảo cổ, nhà nghiên cứu dân tộc học nổi tiếng, trước khi trở thành bộ trưởng trong nội các đầu tiên cuả nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.